Sáng thứ 2 ngày 27/4/2020, Mr. Rahul Bhandari đã quay lại với buổi học International Economics của lớp Chất lượng cao Kinh tế quốc tế thuộc Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (FIBE) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do TS. Vũ Thanh Hương giảng dạy để cùng các bạn sinh viên thảo luận về các chủ đề kinh tế nóng hổi.
Đây là buổi thứ 2 thầy Rahul tham gia cùng với các bạn sinh viên khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, tiếp nối thành công của buổi giảng vào sáng thứ hai ngày 6/4/2020. Nếu các bạn đang thắc mắc về vị khách đặc biệt này, thì Mr.Rahul là Phó Giám đốc Phòng Quan hệ quốc tế, Đại học Toàn cầu O.P.Jindal (JGU), Ấn Độ. Đồng thời, ông cũng là Giám đốc Quan hệ Quốc tế, SPECS, Vương quốc Anh. Làm việc tại JGU, ông Rahul chịu trách nhiệm khởi xướng và duy trì các hợp tác chiến lược với các nước ASEAN, Châu Âu, Châu Phi, New Zealand, Anh, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và Châu Á. Ông cũng tham gia vào việc mở rộng các mối quan hệ của JGU với hơn 260 tổ chức đối tác trải rộng trên 55 quốc gia. Trong lĩnh vực giảng dạy, Mr. Rahul tham gia giảng dạy những vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế tại các trường đại học khác nhau ở châu Á.
Buổi học lần này được bắt đầu theo một cách rất khác, khi mà mở đầu không phải một câu chuyện kinh tế hay một vấn đề chính trị căng thẳng đang diễn ra ở bên kia bán cầu. “Tôi muốn bắt đầu với một câu chuyện cuộc sống ở Châu Phi có tên là UBUNTU. UBUNTU là một văn hóa ở Châu Phi. Một lần, một người đàn ông giàu có người Anh đã đề xuất một trò chơi cho những đứa trẻ bộ lạc nghèo đói ở châu Phi. Anh ta đặt một giỏ trái cây và đồ ngọt gần một cái cây và yêu cầu bọn trẻ đứng cách đó 100 mét, sau đó thông báo rằng bất cứ ai đến trước sẽ nhận được tất cả trái cây và đồ ngọt trong giỏ. Anh ta nói xong thì rời đi. Các bạn đoán điều gì sẽ xảy ra không? Tất cả đám trẻ nắm tay nhau và cùng nhau chạy về phía cái cây, tất cả đến đích cùng một lúc và chia đều kẹo và trái cây cho mỗi người. Người đàn ông giàu có người Anh vô cùng thắc mắc và hỏi bọn trẻ tại sao chúng lại lại như vậy. Thì trả lời của bọn trẻ là “UBUNTU”. Trong ngôn ngữ châu Phi, UBUNTU có nghĩa là “Tôi là vì chúng ta – Một người vì mọi người”. Thông qua câu chuyện này, Mr. Rahul hi vọng các bạn sinh viên UEB sẽ sống một cuộc sống UBUNTU - hãy chia sẻ với nhau trong cuộc sống để cùng nhau tận hưởng những điều tươi đẹp của cuộc sống. Có thể nói các bạn sinh viên đã hết sức ấn tượng với câu chuyện của Mr. Rahul và có lẽ nhờ thế mà không khí buổi học càng trở nên càng sôi nổi hơn.
Trở lại với nội dung chính của buổi học, nếu như lần trước, thầy Rahul đã giải thích về các mục tiêu của Chính sách đối ngoại, giới thiệu các hàng rào trong thương mại quốc tế và mục tiêu của các quốc gia khi sử dụng các hàng rào thương mại. Thì lần này, thầy Rahul đã có bài giảng hết sức thú vị về Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ số thành viên, ngân sách, cơ cấu tổ chức, quy trình giải quyết một tranh chấp trong WTO đến những tranh chấp liên quan đến Ấn Độ và Mỹ. Mr. Rahul cũng đã giải thích về thương mại tự do và những tác động tích cực cũng như tiêu cực của việc tham gia Hiệp định thương mại tự do đến các nước kém phát triển.
Buổi học diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi. Các câu hỏi liên tiếp được đặt ra. Đặc biệt, các nhóm đã có những phần thảo luận rất ấn tượng. Điều này không chỉ thể hiện hiểu biết sâu của các bạn sinh viên FIBE về các vấn đề thương mại nổi bật trên thế giới, mà còn là khả năng tiếng Anh tốt và bản lĩnh vững vàng của các em trong khi tranh biện. Mr. Rahul đã dành những lời khen ngợi về sự chuẩn bị chu đáo và đánh giá cao phần thể hiện của các nhóm. Mr. Rahul cho rằng sinh viên UEB rất sáng tạo, thông minh và "tuyệt vời" khi đã trả lời rất tốt các câu hỏi mà theo thầy là rất khó ngay cả với các nhà kinh tế. Buổi học được khép lại trong không khí hân hoan, hi vọng rằng trong tương lai không chỉ Mr. Rahul mà thêm nhiều diễn giả khác sẽ đến và chia sẻ cho sinh viên FIBE những câu chuyện kinh tế- xã hội thú vị.